[Tóm Tắt & Review Sách] “Lẽ Sống”: Mọi khoảnh khắc xảy ra trên cuộc sống này đều là đáng quý, kể cả khi chết đi...

  


[Tóm Tắt & Review Sách] “Lẽ Sống”: Mọi khoảnh khắc xảy ra trên cuộc sống này đều là đáng quý, kể cả khi chết đi...

📽️

Đã bao giờ trong một giai đoạn nào trong cuộc đời bạn muốn bỏ cuộc? Hay đã bao giờ bạn mất đi niềm tin vào cuộc sống vì những khó khăn của hiện tại? Chắc chắn những lo toan bộn bề của cuộc sống thường ngày sẽ vô tình mài mòn đi cái niềm tin vào cuộc sống, hay bất chợt những biến cố xảy ra khiến cho bản thân bạn muốn được giải thoát, thì tôi tin rằng Lẽ sống của Viktor Frankl sẽ là liều thuốc cực mạnh không đơn giản chỉ là vỗ về hay an ủi mà còn làm cho nguồn nhựa sống trong bạn bỗng tuôn trào hối hả đấy. Hãy cho khối óc và trái tim bạn một cơ hội để được lắng đọng với những dòng chữ, những mẩu chuyện thực tế đến đau lòng của Tác giả Viktor Frankl nhé! 

Về Tác giả:

Ông là nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần và giảng dạy tại trường Đại học Y khoa Vienna. Từ lúc còn đi học, ông đã có niềm quan tâm đặc biệt về chứng trầm cảm và tự tử cộng thêm những trải nghiệm từ lúc còn trẻ của ông, Viktor Frankl đã học hỏi và phát triển sự nghiệp của mình ngày càng vững mạnh. Vào thời Thế chiến thứ 2, khi ông và cả gia đình của mình bị Đức quốc xã bắt làm tù binh cho đến khi thân phụ của ông qua đời tại nơi đó. Trong suốt 3 năm bị giam cầm trong ngục tối, ông đã phải chuyển nơi giam và sống trong bốn trại. Anh trai và người vợ của ông cũng lần lượt qua đời nơi tù ngục đó. Nhưng bên cạnh nỗi đau khổ tột cùng khi mất đi người thân, Viktor Frankl còn học được nhiều thứ quý giá trong suốt những năm bị giam cầm nữa. Và cũng chính nhờ những trải nghiệm đáng nhớ của ông là vũ khí lớn mạnh giúp ông trở thành một người tài giỏi và có nhiệt huyết với nghề như bây giờ. Mặc dù các tác phẩm của ông đã được ra mắt từ rất lâu về trước và hiện tại ông cũng đã mất, cụ thể là vào năm 1997 nhưng những gì ông truyền tải qua các con chữ thì đến tận thời điểm bây giờ vẫn còn có “hiệu lực” cực kỳ tốt. Bản thân tôi cũng đã đọc rất nhiều những tác phẩm của Viktor Frankl và hoàn toàn không nghĩ rằng những gì ông ấy nói đã là rất lâu về trước vì nó hệt như những gì đang diễn ra. Lời văn của ông mang đậm chất của một “bác sĩ”, nghiêm túc, khoa học và đầy nhân văn. Đó là những cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc tác phẩm của Viktor. Ông hệt như một người thầy giáo luôn nghiêm túc và tận tụy với nghề nghiệp vậy. Đọc tác phẩm của ông có đôi lúc tôi cảm giác bản thân như đang ngồi trong lớp học, lúc nào cũng cần sự tập trung cao độ, nghiêm túc lắng nghe bài giảng và đặc biệt là ghi nhớ kĩ càng. Tôi tin chắc rằng bản cũng sẽ có những trải nghiệm như thế này giống tôi khi tìm hiểu về tác phẩm của Viktor Frankl đấy!

Về Tác phẩm:

Và tác phẩm mà lần này tôi mang đến từ tác giả Viktor Frankl của chúng ta đó chính là Lẽ sống. Với tôi, Lẽ sống như một sợi dây thần kỳ, một đường hầm dẫn đến một “thiên đường”. Lẽ sống khiến tôi hiểu rằng được sống trên cuộc đời này, được tồn tại trong cuộc sống này là một điều hạnh phúc, điều hạnh phúc quý giá. Dù cho chúng ta hằng ngày phải đối mặt với những thử thách, với những khó khăn đầy cam go và trắc trở nhưng đó là cuộc sống. Mỗi ngày, mỗi thời khắc chúng ta sống trên cuộc đời này đều là ý nghĩa và chúng ta luôn phải biết ơn, biết trân trọng mà sống cho thật đúng nghĩa. Kể cả là khi chết đi, cũng phải thật đúng nghĩa. Cái chết, nghe thật đáng sợ và dường như con người luôn cố gắng chạy trốn khỏi nó nhưng tôi e là có một điều còn đáng sợ hơn, đó là sống không bằng chết. Tôi tin rằng việc chết khi tôi cảm thấy đủ, khi tôi đã cảm nhận trọn vẹn được cuộc sống này thì tôi không còn cảm thấy sợ hãi với cái chết này nữa. Và những thông điệp mới mẻ này sẽ được truyền tải cực kỳ đắt giá trong Lẽ sống!

Lập luận về ý nghĩa và giá trị cuộc đời (I):

Xuyên suốt cả vài chục trang của phần Lập luận số 1 này là sự khẳng định mạnh mẽ của Tác giả Viktor Frankl về giá trị cốt lõi của con người và ý nghĩa của sự sống. Mỗi con người sẽ đều là mỗi bản thể riêng biệt, không thể sao chép và cũng không thể thay thế, điều này chắc chắn sẽ là chân lý, nó đúng với tất cả mọi người. Một câu nói hay tôi cũng đã từng được nghe đó là “Bởi vì mình sinh ra là một bản gốc, nên đừng để chết đi như một bản sao”, câu nói này ròng rã đã cùng tôi trưởng thành và khi đọc được những lời văn của Viktor Frankl tôi lại càng thấm thía hơn. Mỗi một nhiệm vụ được sinh ra trong kiếp đời đều sẽ chỉ được giao cho một con người, và chỉ có thể là con người đó mới hoàn thành được. Bất kể bạn là ai, bạn làm công việc gì, bạn là người như thế nào thì chính chúng ta cũng là một cá thể độc nhất, bất kể điều gì xuất hiện trong cuộc đời mỗi chúng ta đều có ý nghĩa, việc chúng ta cần làm đó là dù trong bất kì hoàn cảnh nào, thì đều phải có niềm tin vào cuộc sống, biến cuộc sống có nhiều gian truân đều phải trở nên ý nghĩa và tốt hơn nữa là lan toả giá trị ý nghĩa đến với cuộc đời. Trao đi cho cuộc đời không chỉ là hành động, mà còn là tình yêu thương. Thật tuyệt vời khi tất cả chúng ta đều được sống trong tình yêu thương. Và đừng quên, đau khổ cũng là một phần trong cuộc đời. Cách mà con người đối diện và phản ứng với đau khổ sau đó tập tễnh bước qua đau khổ cũng là một cách hoàn thiện bản thân và trau dồi tình yêu thương. Viktor Frankl cho rằng ở mỗi giai đoạn của đời người, cuộc đời sẽ cho mình những câu hỏi và chúng ta cần đưa ra đáp án, tất cả những câu hỏi và đáp án này sẽ dẫn đến một thực tế đó là: cuộc đời đã cho con người rất nhiều cơ hội để được sống ý nghĩa. Miễn là chúng ta còn thở, chúng ta phải luôn có trách nhiệm trả lời những câu hỏi mà cuộc đời giao cho, đó cũng được xem như là ý thức và trách nhiệm. 

Cũng trong chương này Tác giả có đề cập đến một vấn đề nhạy cảm: “Tự sát” và với rất nhiều dẫn chứng, lập luận, tôi cũng đồng quan điểm với Tác giả rằng Tự sát không bao giờ giải quyết được bất kì vấn đề nào và cũng không trả lời được bất kì câu hỏi nào của cuộc đời. “Tự sát chính là một loại hành động xem thường quy luật trò chơi của cuộc đời, luật không đòi hỏi chúng ta phải thắng bằng bất cứ giá nào nhưng luật yêu cầu ta không được rời bỏ trận đấu” - trích nguyên câu văn đắt giá đối với chính bản thân tôi ở những giai đoạn dường như muốn ngã gục nhưng sau đó tôi vẫn kịp thời nhận ra và tiếp tục “chơi” theo cách của riêng tôi. Tôi cũng làm được và tôi hy vọng những ai đang đọc cuốn sách này cũng sẽ giống như tôi, tìm được bản thân và giá trị của bản thân. Một câu hỏi khá hay của Viktor Frankl đặt ra đó là “Nếu chúng ta bất tử thì sao?”, thực sự tôi không dám nghĩ đến, nhưng có lẽ bản thân tôi sẽ là người đình trề lại tất cả những công việc, mệt nhọc hiện tại, bởi vì giờ đây tôi là người có vô hạn thời gian. Song, tôi cũng nhận ra, mình chắc chắn sẽ “chết” đi linh hồn bởi vì nhờ có quy luật của cuộc sống, quy luật thời gian mà tôi biết khát khao, biết kỳ vọng, biết nỗ lực phấn đấu, và cuộc đời tôi cũng trở nên giá trị, ý nghĩa biết bao bởi tôi đã không ngừng thay đổi nó tốt đẹp hơn, tràn đầy tình yêu thương hơn. Và hơn hết lý do khiến tôi trở nên sức sống như vậy đó là vì tôi bị thôi thúc bởi Cái chết. Đời người kéo dài bao lâu là hợp lý, là cần thiết thì tôi không rõ, nhưng cái tôi rõ tường tận đó là chúng ta phải sống một cuộc đời ý nghĩa. Thời gian sẽ không thể làm cho bất kì một cuộc đời nào trở nên giá trị, đặc sắc hơn mà chính chúng ta mới là người quyết định được điều đó. Không chỉ việc tồn tại như một cá thể độc nhất mới là điều tuyệt vời mà chính mỗi phút giây trôi qua, mỗi ngày trôi qua cũng chính là điều độc nhất, chúng ta bất lực với việc lấy lại những ngày giờ đã trôi qua, một khi đã mất đi chính là mất đi “vĩnh viễn”, và trách nhiệm của mỗi người chính là nắm bắt tất cả những điều độc nhất đó bao gồm cả bản thân để tạo nên những điều ý nghĩa - là những thứ sẽ được bảo tồn mãi với thời gian. 

Lập luận về ý nghĩa và giá trị cuộc đời (II):

Tôi bị ấn tượng ngay từ lập luận đầu tiên của Tác giả: “Nếu cuộc sống có ý nghĩa thì đau khổ cũng phải có ý nghĩa”. Tôi đã khá bất ngờ bởi chính lập luận này của Tác giả đã khiến tôi không thể ngừng đọc tiếp cuốn sách này. Với ông, đau khổ chính là một phần của cuộc đời con người, và chính sự “không đau khổ” mới là một điều bất thường. Ai ai cũng nói về bệnh tật với những sự đau khổ nhưng theo cảm nhận của cá nhân tôi và sau khi đọc xong cuốn sách này tôi lại càng nhận thấy rõ ràng hơn rằng là cũng có những người bệnh tật lại không cảm thấy đau khổ, mà rất nhiều người không bệnh tật lại vô cùng đau khổ.  Nhưng hơn hết, chúng ta cần biết rằng đau khổ cũng là một giá trị, đau khổ cũng có nhiều tầng ý nghĩa sâu xa chứ không đơn thuần chỉ là một thứ thuộc về cuộc sống như lẽ thường người ta vẫn hay nghĩ. Theo tác giả, con người ta có thể tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống thông qua 3 hướng chính: hướng đi đầu tiên là con người có thể sáng tạo, tạo ra những kiệt tác, tác phẩm để đời có thể khẳng định được sự tồn tại của họ; thứ hai là họ có thể chiêm nghiệm về cuộc đời bằng những trải nghiệm thiên nhiên, nghệ thuật hoặc tình yêu thương con người; và thứ ba đó là con người có thể tìm thấy được ý nghĩa ngay cả khi họ đang ở trong sự đau khổ, bế tắc, họ phải đưa ra lập trường của mình đối với sự giới hạn trong khả năng của họ, cách mà họ đối diện, phản ứng và chấp nhận số phận của mình. Các bạn có thể hiểu hơn nếu đọc mẩu chuyện của Tác giả và người đàn ông thiết kế đồ hoạ trong lĩnh vực quảng cáo là bệnh nhân có khối u ác tính ở đỉnh cột sống không thể chữa trị và cận kề cái chết. Dù anh ta là một người luôn vô cùng bận rộn, và đôi bàn tay/chân chính là công cụ lao động cũng như lý tưởng của cuộc đời anh ta nhưng bệnh tật đã đánh mất điều đó, những tưởng bệnh tật có thể “giết chết” con người này nhưng không, anh ta vẫn tìm được lối đi cho bản thân mình, vẫn tạo ra cho mình những trải nghiệm vô cùng giá trị ngay cả khi số phận bị đẩy đưa đến hoàn cảnh bị động. Anh ta đã làm những điều mà anh ta vẫn chưa được làm như đọc sách; nghe radio; hay có những cuộc trò chuyện sôi nổi với những người bạn điều trị cùng. Không chỉ dừng ở đó, sau khi cơ thể không còn khả năng đọc sách; nghe nhạc;... anh ta vẫn rút ra được ý nghĩa chỉ bởi vì chấp nhận vị thế của mình. Và cho đến cuối đời, anh ta vẫn tiếp tục tạo ra được những thành tựu nhân văn bằng sự quan tâm đến người khác một cách giá trị. Vô vàng những mẩu chuyện mà chính Tác giả là người được trải nghiệm đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ ràng một điều rằng là ý nghĩa được sinh ra từ chết chóc hay bệnh tật không hề bị ảnh hưởng bởi sự có mặt hay thiếu vắng của bất kì thành công ngoại tại hay thành công nội tại (hay nói cách khác là thất bại ngoại tại). Điều đọng lại trong tôi cho đến khi đọc đến phần II của cuốn sách này là bất kể ai trong chúng ta cũng sẽ có một phần nào đó không thành công nếu thành công được hiểu theo nghĩa là những thành tựu đạt được trong cuộc đời, những thành công được tạo nên từ sự tác động sinh học hay xã hội của thế giới ngoại trừ sự tồn tại của chính bản thân chúng ta. Thế nhưng có những thành công nội tại hay còn được hiểu là khi chúng ta tìm ra được giá trị, ý nghĩa của cuộc sống dù trong bất kì hoàn cảnh nào thì chính cái thành công này sẽ tồn tại mãi mãi. Cho dù là có những người muốn đạt được hay muốn thấu rõ, tìm thấy được thành công nội tại ở những giây phút cuối cùng của một kiếp người thì việc này cũng không hề làm giảm đi sự ý nghĩa, mà là đặt một dấu chấm trọn vẹn cho một sự kết thúc, là một cái kết đẹp tuyệt vời. 

Và có một luận điểm của Tác giả mà tôi đặc biệt muốn lan toả cho rất nhiều người ngoài kia cùng được biết đó là: bất kể ai cũng không được quyền phán xét hay “kết tội” một ai rằng họ là “người vô dụng”, “người không có giá trị”. Ngay cả khi đối mặt với bệnh tật quái ác thì con người vẫn có một tầng giá trị riêng, và theo Viktor Frankl thì ngoại trừ việc luôn luôn chứng minh cuộc đời có ý nghĩa như thế nào thì cũng đừng quên, đau đớn cũng có ý nghĩa và đau đớn cũng là một phần của cuộc sống. Với ông, ngay cả cái chết cũng có ý nghĩa. Tôi nghĩ luận điểm này của ông cùng với nhiều câu chuyện dẫn chứng sẽ giúp cho những tâm hồn đang “vô cảm”, “trơ trọi” có thể tìm thấy được những tia sáng loé lên trong cuộc đời tưởng chừng như “không còn giá trị” “không còn ý nghĩa”. Nếu như những cuốn sách self-help khác sẽ giúp những con người đang lạc lối tìm ra được lối đi, thì Lẽ sống của Viktor Frankl sẽ là một hồi chuông thức tỉnh, giúp họ đánh thức được sự sống trong con người họ, giúp họ mạnh mẽ tìm ra được giá trị và ý nghĩa của chính họ và rồi từ đó sống một cách đáng giá cho dù cuộc sống có biết bao điều đau đớn, mệt mỏi. 

Thí nghiệm quyết định:

Ở chương 3 này, Viktor Frankl dường như đã tường thuật lại sống động khung cảnh trong trại tập trung cốt lõi để chứng minh cho bạn đọc thấy rõ được nghị lực sống tiềm tàng có thể được phát triển khi con người ta đủ lòng tin vào cuộc sống. Những hồi ức như được sống lại qua từng con chữ đôi lúc bóp nghẹt trái tim của người đọc, chính tôi đôi lúc tự hỏi tại sao họ có thể mạnh mẽ vượt qua nhiều điều kinh khủng trong trại tập trung đến vậy. Tôi cũng nhận thức rõ ràng hơn khi đọc đến những dòng cuối của quyển sách, rằng những con người đã trải qua một giai đoạn khốc liệt, biến chuyển tâm lý qua nhiều tầng cảm xúc còn có thể hành động, còn có thể vững tin vào cuộc sống và bước tiếp thì tự hỏi tại sao chúng ta - thế hệ được lớn lên dưới bầu trời của sự tự do, được lĩnh hội vô vàn giá trị kiến thức, giá trị trải nghiệm lại không thể mạnh mẽ để sống có giá trị, sống có ý nghĩa nhỉ và đặc biệt là tình yêu với cuộc sống, niềm tin tươi đẹp đối với cuộc sống sẽ mãi là dòng chảy xuyên suốt trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Có niềm tin, có tình yêu thương với cuộc sống, thì ắt hẳn mỗi một cuộc đời của mỗi người chắc chắn là một lần dạo chơi nhân gian đầy ý nghĩa. 



Được tạo bởi Blogger.