[Tóm tắt & Review sách] “Hà Nội Băm Sáu Phố Phường”: Những Hạt Bụi Vàng Đất Kinh Kỳ

  


[Tóm tắt & Review sách] “Hà Nội Băm Sáu Phố Phường”: Những Hạt Bụi Vàng Đất Kinh Kỳ

📽️

“...Phồn hoa thứ nhất Long thành

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ

Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.”

Có nhiều nhà văn đã viết về Hà Nội, mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến với đủ đầy những vẻ đẹp rất đỗi trữ tình, khiến trong tim ai cũng lưu luyến vấn vương một mối tình muôn thuở. Và Thạch Lam cũng dự một phần vào trong cái tuyển tập ghi chép về Hà Nội của các văn nhân, thi nhân đó, một phần rất đẹp, rất thơ, ấp ủ một linh hồn đồng điệu với từng nhịp thở của đất Thăng Long cổ kính với tất cả nỗi yêu vì, trân trọng, nhớ thương của nhà văn qua tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường.

  1. Thạch Lam - một người Hà Nội viết về Hà Nội

Sinh năm 1910, in tập truyện ngắn đầu tay vào năm 1937 và qua đời năm 1942, đời văn của Thạch Lam chỉ kéo dài khoảng 5 - 6 năm, song quãng thời gian ngắn ngủi ấy cũng đủ để đưa ông trở thành một trong những cây bút tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam giai đoạn trước Cách Mạng Tháng Tám.

Ông tên thật là Nguyễn Tường Vinh, là em ruột của hai nhà văn Nhất Linh và Hoàng Đạo, hai thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Sau khi đỗ Tú tài, Thạch Lam thôi học và quyết định làm báo cùng hai anh. Ông được phân công biên tập cho tuần báo Phong hóa và tờ Ngày nay.

Ngòi bút dồi dào sức sáng tạo của Thạch Lam từ đó mà cho ra đời nhiều tác phẩm đã in sâu trong tâm trí các thế hệ yêu văn Việt Nam với một giọng văn rất riêng biệt. Những Nhà mẹ Lê, Hai đứa trẻ, Sợi tóc, Gió lạnh đầu mùa, Dưới bóng hoàng lan,... đã trở thành những sáng tác đi cùng năm tháng. Ở Thạch Lam, ta bắt gặp một điều gì rất khác so với những tác giả cùng thời, không gay gắt chua cay như Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng, không sầu não quên đời bằng cách trốn vào tháp ngà văn chương như các nhà văn của Tự lực văn đoàn, Thạch Lam tiến vào làng văn học hiện đại với một dáng hình khiêm nhường và những bước chân nhẹ nhàng, từ tốn với sự lặng lẽ, điềm tĩnh trong từng câu chữ. Các tác phẩm của ông chủ yếu có kết cấu đơn tuyến, không có cốt truyện rõ ràng mà chỉ nương theo xúc cảm của nhân vật. Chính vì thế, Thạch Lam mới có chỗ để miêu tả rất tỉ mỉ, cẩn trọng những điều nhỏ bé, dung dị và đẹp một cách thân thương như mái đình, gốc đa nơi thôn xóm.

Thế Lữ đã có những nhận xét vô cùng tinh tế về người bạn văn mà ông rất đỗi yêu quý.


Bên cạnh những truyện ngắn làm nên tên tuổi của người con đất Hà thành, nhắc tới Thạch Lam mà không nhắc đến tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường thì thật là một sự thiếu sót lớn. Và đó hẳn phải là một phần “châu báu” trong “cái kho tàng cuộc sống” ấy của Thạch Lam, bởi tập bút ký không chỉ đưa ba mươi sáu con phố, những thức quà của Hà Nội vào văn chương mà còn chứa đựng tình yêu của nhà văn đối với đất Long thành, là bức hoạ toàn cảnh về Hà Nội và những điều nhỏ nhặt, kín đáo, thân thương của mảnh đất kinh kỳ trứ danh.

  1. Phố phường Hà Nội

Hà Nội băm sáu phố phường vốn là một cách gọi ước lệ khu vực đô thị cổ, nằm bên trong và bên ngoài của khu phố cổ, là trung tâm đô thị trong nhiều thế kỷ nên những con phố này là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, tập trung nhiều giá trị vật thể và phi vật thể về văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng của người Hà Nội.

Thạch Lam sinh ra ở Hà Nội, mất cũng ở Hà Nội. Hà Nội là của ông, tâm hồn Thạch Lam vĩnh viễn thuộc về đất Hà thành yêu dấu, ông yêu thành phố này bằng tâm hồn của một người thủ đô chính hiệu, tựa như người Pháp yêu Paris, người Anh quyến luyến với London hay người Tàu nhớ nhung Thượng Hải. Phải vậy mà ngay từ lời tựa, tác giả đã dành những câu chữ đầy chất thơ và nặng yêu thương của một người con dành cho đất mẹ.


Và từ đấy, độc giả theo chân Thạch Lam đi khắp phố phường Hà Nội, tìm lại vóc dáng Thăng Long xưa. Hắn là chàng nghệ sĩ tài hoa khi ấy cũng đã in gót giày lên khắp nẻo đường phố cổ, để nhìn ngắm từng biển hàng, nhớ kỹ từng cái tên hiệu bằng tiếng Pháp lạ lùng của những ông chủ hiệu may vì muốn tỏ ra “élégance” và “hợp thời”. Chẳng biết nhà văn nghĩ sao về những cửa hàng “chỉ giao thiệp với khách hàng Việt Nam thôi, cũng để toàn chữ Pháp, cũng như ngày xưa họ toàn dùng chữ nho”, khi những biển hiệu không còn “liền với cơ nghiệp và số phận của người buôn…những cố công nhẫn nại và những đức tính ngay thẳng của chủ hàng.”

Và theo Thạch Lam, “không còn gì của Hà Nội ngoài năm sáu mươi năm trở về trước”. Đấy là sự tiếc nuối và hờn trách của nhà văn khi thành phố ông yêu đổi mình, khi những phố cũ, hẹp và khuất khúc đã nhường chỗ cho hàng phố gạch thẳng và rộng rãi, vô tình lấy đi thú vui của những người tản bộ “đi chơi, lòng thư thả và mải tìm sự đẹp”. Thạch Lam lẳng lặng bỏ qua những thứ mới mẻ “hơi lạ lùng và đột ngột” mà cảm nhận những vẻ đẹp bình dị còn sót lại, khuất sau những thay da đổi thịt của buổi tân thời, ông “còn vui chân lang thang mãi trên các vỉa hè của Hà Nội để nghe tiếng gót giày của mình vang động”, hoài thương nhớ mãi những gì đã xa lắm, một Thăng Long của vua Lê chúa Trịnh, của cung vàng gác son cùng công hầu khanh tướng đã trôi vào dĩ vãng, không có cách nào quay lại được. Hà Nội của Thạch Lam là đất Long thành ngàn năm văn hiến và Hà Nội - thành phố thuộc địa của thực dân phương Tây lặng lẽ cùng đấu tranh và cùng tồn tại, nhưng có chăng mảnh đất ấy thay đổi nhiều quá, khiến kinh đô Đại Việt khi xưa giờ chỉ còn là một thời vang bóng.

Cái sự hờn giận của Thạch Lam còn lây sang cả đền Ngọc Sơn hay Quan Thánh, khi những công trình đẹp đẽ cổ sơ ấy phải chịu sự thêm thắt xấu xa, những trang trí tân kỳ mà ông cho là “mọi rợ vụng về”“một cách đập phá mỹ thuật tai hại không gì bằng”.

Nhưng chàng văn nhân của chúng ta vẫn yêu nhớ và thiết tha với mảnh đất Hà thành ấy lắm, phải vậy mà người cứ dẫn ta nhàn nhã, thong dong qua những Hàng Bông, Hàng Quạt, Hàng Trống,...qua tới đền Bạch Mã, Hàng Buồm, Hàng Ga, Cửa Bắc rồi lại về tới Hàng Gai, Mã Mây, Hàng Buồm thưởng thức chút ngọt ngào của quà Hà Nội và chút tâm tình của người Hà Nội. Chỉ là nơi đây đã không còn những “hàng phố cũ kỳ với những hàng bát quát, mảnh gương và dơi bay một phố từa tựa như phố của kinh kỳ xưa”.

Thạch Lam dường như đã ngắm nhìn Hà Nội từ rất lâu, đã nếm các hương vị của Hà Nội từ rất lâu và lắng nghe Hà Nội cũng từ rất lâu. Vào một lúc nào đó, khi đôi chân đã có chút mỏi mệt, nhà văn lại ngồi xuống và viết - viết về một Hà Nội của riêng mình.

  1. Quà Hà Nội

“Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng ngon lành và lịch sự. Ở các thôn quê, “chút quà Hà Nội” là của mong đợi, và tỏ được lòng quý hoá của người cho. Con cháu ngày giỗ kỵ đưa về dâng cha me, hay các bà mẹ ra tỉnh mua về cho các con, và chồng đi làm Nhà nước ngày nghỉ mua tặng cho cô vợ mới cưới… Bao nhiêu ý tốt tình hay gửi vào trong chút quà nơi đô hội, món quà đem đến cho khắp nơi các vị sành và trang nhã của băm sáu phố phường.”

Thạch Lam dành phần lớn những tâm tư, tình cảm của mình cho các thức quà, để ta thấy nền ẩm thực dung dị quen thuộc nằm trong từng đường quanh lối nhỏ đất Hà thành này cũng tinh tế và sâu sắc đến nhường nào.  Từ những thức quà nức tiếng gắn liền với Hà Nội như bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng, bánh cốm, bánh xu xê hàng Than, … cho đến những thức quà nơi khác cũng có nhưng “sáu tỉnh đường trong, bốn tỉnh đường ngoài, chẳng có đâu ngon bằng kinh đô” như bún chả, phở, … cùng rất nhiều các thức quà dân giã, thân thương đã nằm sâu trong ký ức của người con gốc Hà Nội khác như xôi, cháo, cơm nắm, bún ốc, miến lươn, bún riêu, thang cuốn, bún bung, bún sườn, canh bún, bánh ít, chè đậu đen, bánh đậu, bánh khảo, kẹo lạc, bánh tôm … Ngay cả những món ăn lạ lẫm của người Tàu cũng góp phần làm cho nền ẩm thực ấy càng phong phú và đa dạng hơn (nhưng cũng không kém phần lạ lùng) như mằn thắn, mìn páo, lục tàu xá, chí mà phù, sa cốc mày, súi ỉn, phán sì thòng …

Có lẽ Thạch Lam đã thưởng thức những món ngon ấy và cô trọn hương vị đặc sắc của chúng thành những trang văn đầm ấm, duyên dáng với một ngòi bút nhẹ nhàng mà vẫn như phô bày trước mặt độc giả những phở, những bún, những gánh hàng rong cong vút trên khắp nẻo đường Hà Nội. Này đây là “bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa. Vị bánh thơm bột mịn và dẻo. Bánh chay thì thanh đạm, bánh mặn đậm vì chút mỡ hành.” Này đây là “bát phở đầy đặn và tươm tất, do hai con gái bà làm, trông thực muốn ăn. Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ.” Những thức quà ngon và lành ấy cứ hiện ra lần lượt dưới ngòi bút của Thạch Lam như một cuộc du hành ẩm thực, khi mà độc giả mải mê theo cái lối hành văn nhỏ nhẹ, tâm tình đến quên lối về.

Cái đặc sắc của tác giả không chỉ lột tả được những đặc trưng của từng thức quà khác nhau mà ngay trong một thức quà, Thạch Lam cũng đủ tinh tế để nhận ra những khác biệt. Sự thay đổi của những hàng phở khiến ông như giận dỗi, những cải tiến trong món bánh đậu xanh, hay chỉ là vài dòng viết về các thứ xôi, bún,...tất cả chừng ấy đều gói gọn trong những nhớ thương và tình cảm của Thạch Lam dành cho ẩm thực Hà Nội.


Hẳn những dòng viết về bún chả Hà Nội của tác giả sẽ trở thành đoạn văn tâm đắc của nhiều người, bởi chỉ bằng giọng văn rất đỗi giản dị mà ông khiến cho người đọc phải muốn buông sách ngay đấy mà đi ăn một bát bún chả - “Khói lam cuộn như sương mờ ở sườn núi, giọt mỡ chả xèo trên than hồng như một tiếng thở dài và tiếng quạt khẽ đập như cành cây rung động, quà bún chả có nhiều cái quyến rũ đáng gọi là mê hồn, nếu không là mê bụng.”

Ông coi cái việc sáng tạo ra một thức quà ngon như thế là một nghệ thuật, và bày tỏ nỗi lòng tiếc nuối vì “tên người tài tử đó thất truyền, để không liệt kê vào cái sổ vàng của những danh nhân “thực vi đạo” - khi món ăn không phải chỉ cốt no cái bụng mà còn phải ngon, phải đẹp, phải khiến lòng người “dễ thành thi sĩ”.

Một thứ quà của lúa non: cốm

Nhắc đến Hà Nội băm sáu phố phường thì hẳn ai cũng sẽ nhớ đến đoạn trích rất đẹp, rất thơ trong sách giáo khoa Ngữ Văn mà chúng ta ai đọc một lần đều nhớ mãi. Ấy là những dòng tuyệt bút cô đọng bởi những rung cảm tinh tế và đồng điệu với đất trời của Thạch Lam, khi viết về một trong những đặc sản nổi tiếng bậc nhất đất kinh kỳ.

“Cơn gió mùa thu hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị mùi hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của trời.”

Đối với Thạch Lam, cốm chính là thứ quà chứa đựng những tinh tuý của đất trời, những phép màu của tạo hoá. Nhưng phải đợi đến khi “những người chuyên môn” gặt mang về, trải qua một loạt những công phu “bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn” bởi bàn tay khéo léo của người con gái làng Vòng, những hạt lúa non khi ấy mới trở thành thứ cốm dẻo, thơm và ngon mà không đâu có được. Cốm là thức quà của mùa thu, là “thứ quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam.”

Những trang viết thơ mộng, êm đềm, dịu dàng như lời ru của mẹ, như lời thủ thỉ tâm tình của người chị về những món ăn ngon lành, trân quý đất kinh đô hình như đã gợi lại nhiều lắm về một thời vang bóng, một thời mà giờ đã xa chúng ta quá. Còn đâu thấy được “cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng…” Chắc là khó, hoặc có thể chúng ta chẳng bao giờ thấy được nữa những gánh hàng rong ẩn hiện trên đường to lối nhỏ Hà Nội.

Với Thạch Lam, quà không chỉ là món ăn. Viết về ẩm thực, tức là viết về vô số câu chuyện, vô số mảnh đời vô danh hoặc ai cũng nhớ tên bên cạnh những thức quà đầy yêu nhớ ấy. Đó là phong vị của đất và người Hà thành, bởi quà cũng như người vậy. Có thứ quà ăn một lần người ta nhớ mãi, không nhất thiết vì nó ngon mà vì nó lạ chăng, hoặc có thứ quà chỉ đổi lấy một tràng cười vì lòng ham của lạ của trẻ con Hà Nội. Ngay từ thời ấy, nhà văn đã buồn bã và đôi chút ngán ngẩm khi “sự sành ăn và cái thưởng thức của người nơi văn vật đã kém sắc sảo, ý nhị” và đến bây giờ, ta chẳng biết tìm đâu cho được những vẻ đẹp hoài cổ ấy nữa.

  1. Người Hà Nội

Dạo quanh đất Long thành xưa cùng tập bút ký, ta thấy rất nhiều những nhân vật không tên, những con người Hà Nội, nhưng cô hàng rong, những chú khách, chủ gánh hàng phở,...ngòi bút nhà văn lướt qua bao nhiêu đời người và chỉ lấy đi của họ một thoáng chốc, nhưng đủ để tạo nên bức tranh kinh kỳ, thấm đẫm tâm hồn Hà Nội.

“Một hàng nước đắt hàng vì các thức quà bán đã đành, nhưng đôi khi cũng đắt khách vì cả cô hàng. Cô hàng nước Việt Nam dù ở dưới bóng đa, bên ruộng lúa, hay ở dưới mái hiên của đường phố, ở đâu cũng vậy, miệng cười tươi của cô hàng là dây liên lạc khắp cả mọi người. Cô hàng nước Việt Nam, từ xưa đến nay đã chiếm một địa vị quan hệ trong lịch sử, và trong văn chương…”

Và trong bức tranh ấy, ta không thể không điểm tên cô hàng rong, không thể không nhắc đến những thứ quà ngon lành và dịu dàng của Hà Nội, sự hiếu khách đầy duyên dáng. Nhưng những cô hàng nước còn gợi nhắc cho chúng ta nhiều hơn thế, về một Hà Nội thanh lịch, trang nhã: những cô hàng cơm nắm, cô Dần hàng nước, cô hàng cốm xinh xinh, chị bán bún ốc, bà cụ bán xôi, ba bà cháu bán bánh cuốn, chị hàng chè đỗ đen,...đều nhắc nhở chúng ta về dáng hình của người phụ nữ Việt Nam, tần tảo, cần mẫn sớm hôm bên gánh hàng để chăm chút cho gia đình, những người vợ, người chị, người bà, người mẹ đảm đang, chịu thương chịu khó. Và đương nhiên, Thạch Lam cũng mong mỏi sự duyên dáng chân chất ấy sẽ được bảo tồn và lưu giữ, “kéo dài mãi mãi cái phong vị bình dân và mộc mạc của các cô hàng nước cùng với các cô hàng xén kĩu kịt đi chợ Đông, chợ Đoài, là cái tinh hoa thuần túy Việt Nam từ xửa xưa đến giờ.”

Người ta vẫn thường nói, người Hà Nội tinh tế, thanh lịch, tao nhã lắm. Nhưng cái tinh tế ấy của người đất Bắc không hiện lên ở những tiểu thư công tử nơi lầu son gác ngọc mà hiện lên ở những người làm nghề, những người làm ra chính những thức quà nơi văn vật trứ danh. Những món ăn “ngon lành và lịch sự” thì chắc chắn không thể tạo ra bởi sự qua loa, cẩu thả được, mà phải là bởi sự khéo léo, chuyên tâm, yêu nghề của những bàn tay làm ra bánh cuốn Thanh Trì “mỏng như tờ giấy và trong như lụa”, làm ra cốm làng Vòng dẻo và thơm, “cháo hoa quánh mùi gạo thơm, xôi nồng mùi nếp mới”,...

Sự chuyên cần và nhẫn nại, tỉ mỉ và khéo léo của người Hà Nội đã khiến việc sáng tạo ra những món ăn trở thành nghệ thuật ẩm thực, và dần dần, những bánh cốm, bánh xu xê ấy đã trở thành truyền thống quý báu còn được lưu truyền mãi cho tới ngày nay.

Hà Nội và người Hà Nội đối với Thạch Lam quý giá là thế, nhưng ông vẫn chỉ ra những điểm còn yếu và những thay đổi vội vã của đất kinh đô: vì người sành ăn thì ngày càng ít mà những kẻ chỉ thích đi tắt đón đầu, làm giả ăn thật ngày càng nhiều, mà thức quà cũng không còn giữ được cốt truyền thống của nó nữa.

  1. Nhân một dịp đọc lại Hà Nội băm sáu phố phường

Hà Nội trong thời đại của Thạch Lam, là Hà Nội của một giai đoạn đầy biến động và khổ đau. Nhưng Hà Nội băm sáu phố phường luôn tỏa ra đầy đủ hơi ấm của tình người, niềm yêu thương cuộc sống và sự lạc quan. Đó là vẻ đẹp trong văn chương Thạch Lam và cũng là vẻ đẹp của tâm hồn Hà Nội vậy. Những trang hoa đầy vệt nắng ấy của Thạch Lam không chỉ thành công trong việc lưu lại những hương vị phong phú trong các thức quà của Hà Nội, mà còn lưu lại những ký ức đầy giá trị về những con người Hà Nội xưa cũ, những tâm hồn chân chất, mộc mạc và ngát hương, khơi dậy trong lòng độc giả một mong muốn, một ngày nào đó, vẻ đẹp ấy sẽ trở lại, giống như một người đi xa vẫn mong ngày trở về Hà Nội, trong hương cốm mùa thu.




Được tạo bởi Blogger.